Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Tìm hiểu 'tia chớp đen' của hải quân Liên Xô

Những năm 1970, nền khoa học quân sự Liên Xô đã cho ra đời nhiều kỷ lục thế giới mà nền khoa học hiện thời vẫn chưa thể đánh bại.
Một số thành tựu đầy kiêu hãnh có thể kể ra như: giới thiệu trực thăng lớn nhất Mil-V12, máy bay chiến đấu tốc độ nhanh nhất Mig-25,khởi đóng tuần dương hạm tên lửa lớn nhất lớp Kirov...

Trong số đó, có một kỷ lục không kém phần huy hoàng: Tầu ngầm nguyên tử có tốc độ nhanh nhất và lặn sâu nhất: Chương trình 705 - Tầu ngầm nguyên tử lớp Lira.

Được tận mắt chứng kiến năng lực và hiệu quả của những hạm đội tầu sân bay của Mỹ kể cả trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và sau cuộc chiến, giới lãnh đạo Liên Xô luôn muốn có một thứ vũ khí khắc chế điểm mạnh này.

Năm 1957, Liên Xô quyết định thiết kế một tầu ngầm nguyên tử có lượng giãn nước 1.500 tấn, có tốc độ lớn hơn 74 km/h (nhanh hơn các loại ngư lôi thông dụng của phương Tây như Tigerfish (Anh) hay Mark 44, Mark 45, Mark 46 (Mỹ), có tốc độ cao nhất khoảng 55,5 - 64,8 km/h).

Năm 1965, mẫu thử chương trình 661, tiền thân của Lira được khởi đóng tại xưởng đóng tầu Sudomekh thành phố Leningrad (nay là Saint Peterburg) và hoàn thành năm 1969 với số hiệu K-162. Chiếc K-162 đã hoàn thành với thành tích đáng kinh ngạc: có tốc độ đạt đến 82,8 km/h và lặn xuống độ sâu lớn nhất là 800 mét.

Chiếc K-162 (từ năm 1978 được đổi tên là K-222), tiền thân của tầu ngầm nguyên tử lớp Lira
Tuy nhiên, sau này, rất nhiều đặc điểm của K-162 đã được thay đổi để cho ra đời tầu ngầm lớp Lira. Con tầu được thu nhỏ lại, lượng giãn nước lúc chìm 7.000 tấn chỉ còn 3.200 tấn, lò phản ứng hạt nhân nước áp lực được thay bằng lò phản ứng  hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng, đồng thời số người vận hành cũng được giảm từ 82 người xuống chỉ còn có 31 người.

Bản vẽ thiết kế tầu ngầm nguyên tử lớp Lira
Tầu ngầm lớp Lira được thiết kế với nhiệm vụ “tìm và diệt” các loại tầu ngầm và tầu nổi của đối phương nên nó chỉ có kích thước khiêm tốn: dài 81,4 mét, rộng 9,5 mét và cao 6,9 -7,6 mét với lượng giãn nước khi nổi là 2.300 tấn, khi chìm là 3.200 tấn.

Động lực chính của tầu là một lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng OK-550 hoặc BM-40A có công suất 155 MW. Ngoài ra trên tầu còn một động cơ tua bin khí dự phòng với công suất 40.000 hp (30 MW).

Tầu ngầm nguyên tử lớp Lira có khả năng đạt vận tốc đến 83 km/h và lặn sâu 1.300 mét, vượt qua tất cả các loại ngư lôi săn ngầm được sử dụng cùng thời
Với chân vịt 5 cánh, tốc độ khi nổi trên mặt biển của tầu chỉ đạt 22,2 km/h tuy nhiên tốc độ khi lặn của nó lên tới 79,6 - 83,3 km/h, nhanh hơn bất cứ loại ngư lôi nào hiện có trong những năm 1970, khiến nó có “miễn dịch” khi bị truy đuổi hay tấn công bởi tầu ngầm cũng như các loại tầu nổi của Mỹ và NATO.

Vũ khí chính của Lira là 6 ống phóng ngư lôi có khả năng sử dụng tên lửa RPK-2 Vyuga (tầm bắn 45 km) hoặc RPK-7 Veter (tầm bắn 120 km) mang đầu đạn hạt nhân 200 kT. Hai loại tên lửa này được dẫn bắn bằng radar Topol MRK-50 Snoop Tray.

Ngoài ra, tàu còn có 18 ngư lôi 53-65K có tầm bắn 19 km hoặc ngư lôi siêu khoang VA-111 (là loại ngư lôi có vận tốc đến 320 km/h vói sự hỗ trợ của radar chủ động/ thụ động Okean) cùng các loại thủy lôi rải.

Tên lửa RPK-7 Veter trang bị cho Lira có tầm bắn 120 km và có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân loại 200 kT (mạnh gấp 15 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nhật Bản)
Tầm tác chiến và khả năng hoạt động liên tục khi lặn của Lira chỉ phụ thuộc vào lượng tích trữ không khí và thực phẩm cho thủy thủ đoàn 31 người. Lò phản ứng của Lira được thiết kế để không phải thay nhiên liệu như các lò nước áp lực hiện đại. Loại lò làm mát bằng kim loại lỏng này chỉ cần nạp nhiên liệu một lần và có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 70 năm.

Tuy nhiên, loại lò này cũng có một nhược điểm chết người là phải luôn giữ ở nhiệt độ lớn hơn 125 độ C. Nếu lò ngừng hoạt động thì thủy thủ đoàn phải dùng đến một nguồn nhiệt bên ngoài để giữ nhiệt độ lò cao hơn mức trên. Nếu không, hợp kim chì - bitmut làm mát sẽ đông đặc lại và phá vỡ lò. "Tử huyệt" này đã bị điểm trúng vào năm 1972 và 1982 khi hệ thống cấp nhiệt của 2 tàu ngầm lớp Lira số hiệu K-377 và K-316 trục trặc và kim loại làm mát bị đông đặc.
Sự xuất  hiện của tầu ngầm lớp Lira đã khiến giới quân sự Mỹ và NATO thực sự hoảng sợ trong thời gian dài và đẩy nhanh chương trình phát triển ngư lôi siêu tốc như các chương trình: ADCAP (Mỹ - cho ra đời ngư lôi MK-46 và MK-48 có tốc độ 120 km/h) và Spearfish (Anh - ngư lôi có tốc độ 150 km/h).

Tuy nhiên, những loại ngư lôi trên được đưa vào sử dụng đầu những năm 1990, sau 20 năm, tầu ngầm lớp Lira tung hoành dưới các dương.

Ngư lôi cao tốc Spearfish của Anh được thiết kế riêng để chống lại các tầu ngầm cao tốc như Lira
Tuy nhiên, để đạt được tốc độ cao và độ lặn sâu lớn, những nhà thiết kế Liên Xô phải đánh đổi rất nhiều.

Trước hết, lò phản ứng của Lira khá kém ổn định và luôn luôn yêu cầu sự có mặt của con người trên tầu vì nó không được phép ngừng hoạt động. Và yêu cầu làm mát phức tạp cũng từng gây ra tai nạn cho 2 tàu K-377 và K-316 kể trên.

Giống tất cả các tầu cùng thời kỳ, Lira được làm hoàn toàn bằng kim loại titan nên nó có giá thành sản xuất và vận hành rất đắt đỏ. Hoàng loạt tàu loại này đã “về hưu” hàng loạt khi kinh tế Liên Xô đi xuống.

Hiện chỉ còn hai chiếc tầu ngầm lớp Lira chưa bị tháo dỡ: Chiếc K-373 được bảo quản cất giữ và chiếc K-123 được sử dụng để chạy thử nghiệm sau khi đã thay lò phản ứng.
Hiện nay trong số 6 chiếc Lira được sản xuất hàng loạt chỉ còn hai chiếc chưa bị tháo dỡ. Chiếc K-373 hiện vẫn được bảo quản tại Zapadnaya Litsa và chiếc K-123 đã được thay thế lò phản ứng để hoạt động dưới dạng tầu thử nghiệm.

Mặc dù chỉ có một thời gian ngắn phục vụ nhưng Lira Class đã đánh dấu một kỷ lục mà hiện nay chưa một loại tầu ngầm nào có thể phá được. Nó cũng khiến các nước phương Tây phát triển hàng loạt các chương trình ngư lôi tốc độ cao để chống lại.

Nỗi sợ hãi của phương Tây đối với Lira đã được làm hẳn thành một bộ phim về tầu ngầm tốc độ siêu cao: “Săn tìm tầu ngầm Tháng Mười Đỏ” (“The hunt for the Red October”).

Hình tượng tầu ngầm siêu tốc "Tháng Mười Đỏ" trong phim Mỹ lấy từ nguyên mẫu tầu ngầm nguyên tử lớp Lira

Hơn hết, thiết kế của Lira đã góp phần lớn vào thành tựu thiết kế các tầu ngầm nổi tiếng khác của Liên Xô và Nga sau này như Schuka (Akula theo cách gọi phương Tây), Borei hay Yashen.

An Thái (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét