Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Điều khó nói trong thương vụ Su-33

Nga muốn bán thật nhiều, còn Trung Quốc lại muốn mua thật ít trong thương vụ tiêm kích trên hạm Su-33. Tại sao lại như vậy?
Dựa vào thông tin nội bộ quân đội Trung Quốc, Wong Dong, chủ tịch Hiệp hội quân sự quốc tế Macao, người có quan hệ rộng rãi với quan chức quân đội Trung Quốc, cho biết, Nga muốn khôi phục dây chuyền sản xuất Su-33 sau 10 năm tạm dừng, nhưng hiểu rằng, Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử nghiệm thành công J-15 mà nhiều người coi là sản phẩm sao chép tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.

Một trang mạng chuyên về quân sự của Nga đưa tin, Bắc Kinh đã quay lại bàn đàm phán với công ty Sukhoi về vấn đề mua Su-33, loại máy bay có khả năng được triển khai trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Trước đó có tin, Nga dự định bán cho Trung Quốc đến 50 Su-33 Flanker-D.

Trọng tâm hợp tác quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc thời gian gần dây đổ dồn về mẫu tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.

Tuy vậy, ông Wong nói, các nguồn tin của ông cho biết, ngày 31/8/2009, J-15 của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên thành công, và như vậy, không quân hải quân Trung Quốc không cần phải mua Su-33 của Nga nữa.

Chỉ vì cái động cơ?

Việc phát triển J-15 chính thức từ năm 2006 sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng một cụm tàu sân bay xung kích. Tuy nhiên, động cơ là vấn đề lớn đối với loại máy bay này. “Công nghệ động cơ turbine phản lực lưỡng mạch, có buồng tăng lực của Trung Quốc chưa thể sánh nổi với Nga, còn Nga đầu năm nay đã dọa không bán động cơ cho Trung Quốc”, ông Wong nói.

Ông Igor Korotchenko, Ủy viên Hội đồng Xã hội của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng, hàng nhái J-15 chỉ là giai đoạn đầu phát triển của Su-33 và không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ trở lại bàn đàm phán mua Su-33.

Động cơ của tiêm kích trên hạm Su-33 là món hàng mà Trung Quốc thèm khát, nhưng Nga không muốn bán với giá rẻ.

Một đại tá quân đội Trung Quốc về hưu có liên hệ với chương trình J-15 xác nhận, động cơ của máy bay Trung Quốc vẫn thua kém động cơ Nga vốn có chế độ làm việc đặc biệt, cho phép tăng đáng kể lực đẩy động cơ turbine phản lực lưỡng mạch, có buồng tăng lực trong một thời gian ngắn.

Chuyên gia quân sự Ni Lexiong ở Thượng Hải nhận xét, sự yếu kém về công nghệ động cơ máy bay là do thiếu kinh phí và là điểm yếu chí mạng của Trung Quốc, việc mua sắm Su-33 có thể là phương án thay thế cho việc phát triển J-15.

Năm 2012, Trung Quốc dự định hạ thủy tàu sân bay đầu tiên tự đóng dựa trên thiết kế của tàu sân bay Nga, và hoàn thành cụm tàu sân bay xung kích đầu tiên vào năm 2015.

Rõ ràng là cả Nga và Trung Quốc đang làm trò, nắn gân nhau trước khi quay lại bàn đàm phán mua bán Su-33.

Nga thì muốn bán Su-33 càng nhiều càng tốt, giá càng cao càng hay, kể cả thanh lý số Su-33 hiện có trên tàu sân bay Kuznetsov, để chuyển sang MiG-29K vốn có công nghệ cao hơn Su-33.

Trung Quốc thì muốn mua thật ít, đủ để "học mót, sao chép" nhằm cải tiến J-15, hay ít ra cũng phải có đồ để bày trên tàu sân bay đầu tiên của họ sắp hạ thủy.

Nhân Vũ (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét